1. “Tôi tin rằng 50% quyết định một người thành công hay thất bại chỉ đơn thuần là ở tính kiên trì”
Jeff Haden – Biên tập viên tạp chí Inc lý giải mọi người đều nói họ muốn làm nhiều việc hơn. Nhưng trên thực tế, không có ai thực hiện được điều đó. Hầu hết mọi người nghĩ rằng chẳng ai làm như vậy nên họ cũng chẳng tội gì phải làm. Và họ từ bỏ. Đó là lý do vì sao những người thành công thường rất hiếm hoi. Và chính những việc bạn làm nhiều hơn người khác sẽ cho bạn cơ hội.
Đi sớm. Về muộn. Làm nhiều việc hơn. Gọi thêm điện thoại. Gửi thêm email. Nghiên cứu nhiều hơn. Hỗ trợ khách hàng tận tình hơn nữa.
Đừng đợi đến khi được yêu cầu, hãy tự giác. Đừng chỉ ra lệnh cho nhân viên, hãy chỉ dẫn và làm việc cùng họ.
Khi làm việc gì đó, hãy làm nhiều hơn nếu có thể, đặc biệt nếu không ai khác chịu làm. Điều đó sẽ không dễ dàng gì nhưng chính nó tạo nên sự khác biệt cho bạn. Và theo thời gian, điều đó sẽ khiến bạn trở nên cực kỳ thành công.
2. “Những thứ tôi trân trọng không tốn một xu nào cả. Rõ ràng tài nguyên quý giá nhất mà chúng ta có là thời gian”
Thời hạn về bản chất chỉ là những thông số nhưng thường mang nghĩa tiêu cực. Nếu có 2 tuần để hoàn thành nhiệm vụ, hầu hết mọi người sẽ phân bổ nguồn lực của mình để thực hiện công việc trong vừa đúng 2 tuần, dù họ có thể làm xong sớm hơn.
Vì thế hãy quên hết các loại hạn chót đi. Làm mọi thứ nhanh và hiệu quả nhất có thể. Sau đó, hãy sử dụng thời gian rảnh để hoàn thành những công việc khác theo cách tương tự.
Người bình thường để thời gian chi phối mình, người giỏi để ý chí của mình làm chủ thời gian.
3. “Hình mẫu trong kinh doanh của tôi là nhóm nhạc The Beatles. Bốn người họ hỗ trợ và cân bằng lẫn nhau. Và thành công của cả nhóm luôn rực rỡ hơn thành công của từng thành viên. Kinh doanh cũng như vây: Thành tựu vĩ đại không bao giờ được mang lại bởi một cá nhân duy nhất, mà nó là nỗ lực của cả tập thể”
Sẽ có vài nhân viên khiến bạn phát điên, có những khách hàng khiến bạn khó chịu. Nhưng đừng phàn nàn nữa bởi bạn chính là người đã chọn họ để xuất hiện trong cuộc đời mình.
Nếu những người xung quanh làm bạn không vui, đó không phải là lỗi của họ mà chính là lỗi của bạn. Bạn là người để họ hiện diện trong cuộc đời bạn.
Hãy nghĩ tới kiểu bạn mà bạn muốn làm việc cùng, những khách hàng mà bạn muốn phục vụ và những người bạn mà bạn muốn có. Sau đó, hãy thay đổi cách làm để thu hút những người đó. Người chăm chỉ sẽ muốn làm việc với người chăm chỉ. Người tốt sẽ chỉ giao thiệp với người tốt.
Những nhân viên xuất sắc sẽ chỉ muốn làm việc cho những ông chủ xuất sắc. Hãy trở nên tốt nhất có thể và bạn sẽ luôn có những người còn giỏi hơn nữa xung quanh mình.
4. “Đôi khi bạn sẽ mắc sai lầm khi sáng tạo. Điều quan trọng là phải nhanh chóng thừa nhận nó và tiếp tục phấn đấu”
Hãy hỏi mọi người vì sao họ thành công. Câu trả lời của họ sẽ chỉ toàn những đại từ “tôi”. Thi thoảng bạn mới có thể nghe thấy từ “chúng tôi”.
Sau đó hãy hỏi vì sao họ thất bại. Hầu hết họ sẽ đổ lỗi cho hoàn cảnh như: Nền kinh tế bất ổn, thị trường chưa đủ tiềm năng hay nhà cung cấp không đáp ứng kịp. Họ sẽ nói rằng thất bại đó là do ai khác hoặc thứ gì khác gây nên. Và như thế, họ sẽ chẳng bao giờ học được gì từ thất bại.
Đôi khi sẽ có những việc ngoài tầm kiểm soát khiến chúng ta thất bại Nhưng đa phần nguyên nhân xuất phát từ chính bản thân bạn. Điều đó là hoàn toàn bình thường. Người thành công nào cũng từng thất bại. Nhờ vậy, giờ đây họ mới thành công.
Hãy trân trọng những thất bại, hãy nhận trách nhiệm, học hỏi, rút kinh nghiệm từ chúng và hãy chắc chắn rằng không mắc phải sai lầm đó thêm một lần nữa.
5. “Công việc sẽ chiếm phần lớn thời gian trong cuộc đời bạn, và cách duy nhất để cảm thấy hoàn toàn hài lòng là làm những gì bạn cho là tuyệt vời. Và cách duy nhất để làm tốt là yêu lấy công việc bạn đang làm. Nếu bạn chưa tìm thấy công việc yêu thích, hãy cứ tiếp tục. Đừng dừng lại. Sẽ đến lúc con tim chỉ cho bạn thấy bạn đã tìm được nó”
Bạn không biết đam mê của mình là gì? Không sao cả. Hãy chọn làm điều gì đó thú vị và có lợi cho tài chính của bạn. Một công việc mà người ta sẽ phải trả tiền để bạn làm hoặc cung cấp.
Sau đó hãy làm việc thật chăm chỉ, nâng cao các kỹ năng dù đó là công việc sáng tạo, bán hàng hay quản lý,...Cảm giác thỏa mãn và trọn vẹn từ những thành công nho nhỏ sẽ cho bạn động lực để tiếp tục làm việc chăm chỉ và hoàn thiện các kỹ năng.
Rồi sẽ có một ngày bạn thức dậy và cảm thấy cực kỳ viên mãn – bởi bạn đang làm một công việc tuyệt vời, một công việc mà bạn đã yêu thích.
6. “Sự sáng tạo phân biệt giữa người đi đầu và kẻ theo sau”
Ý tưởng không kèm theo hành động thì chỉ là sự hối tiếc. Mỗi ngày, người ta lại để cho sự chần chừ và thiếu quyết đoán ngăn cản họ hiện thực hóa ý định của mình. Hãy nghĩ về một vài ý tưởng mà bạn đã từng có, một công việc kinh doanh, sự nghiệp mới hay đơn giản chỉ là việc làm thêm.
Hãy học cách tin tưởng vào đánh giá, nhận định hay thậm chí là linh cảm của bản thân. Đôi khi chúng có thể không chính xác nhưng nếu bạn không chịu hành động thì chúng sẽ luôn sai mà thôi.
7. “Tôi không trở về Apple để kiếm tiền. Tôi đã đủ may mắn để trở nên giàu có. Khi mới 25 tuổi, tôi đã có khối tài sản trị giá 100 triệu USD. Tôi quyết định không để điều đó hủy hoại cuộc đời mình. Chẳng có cách nào để tiêu hết số tiền đó cả, và tôi không dùng tiền để chứng minh trí tuệ của mình”
Tiền rất quan trọng. Nó giúp bạn làm được nhiều việc. Nhưng sau một thời điểm nào đó, tiền bạc không làm người ta hạnh phúc hơn. Theo nghiên cứu của Học viện Khoa học Quốc gia Mỹ: “Sau mức lương 75.000 USD một năm, thu nhập có cao hơn nữa cũng không khiến bạn hạnh phúc hay giúp bạn thoát căng thẳng và mệt mỏi”.
Như người ta vẫn nói: Theo đuổi vật chất sẽ khiến bạn cảm thấy bớt hạnh phúc đi.
Hãy thử nghĩ, bạn muốn có một ngôi nhà lớn hơn. Bạn cần một ngôi nhà lớn hơn. Và bạn mua nó. Bạn cảm thấy thật tuyệt cho tới khi nhận ra ngôi nhà lớn cuối cùng chỉ là ngôi nhà mà thôi.
Vì vật chất chỉ mang lại hạnh phúc tạm thời. Để hạnh phúc hơn, đừng theo đuổi tiền bạc mà hãy tìm kiếm trải nghiệm.
(Sưu tầm)