2016 là năm đầy sôi động của cộng đồng khởi nghiệp với sự phát triển của nhiều thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó có sự ra đời và lớn mạnh của các nhóm cố vấn (mentor).
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã có nhiều chương trình giới thiệu hoạt động của các nhóm cố vấn nổi bật này đến cộng đồng.
1. Vietnam Mentor Initiative (VMI)
Vừa được thành lập vào tháng 11/2016, VMI (Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam) ra đời nhằm mục đích kết nối các nhà cố vấn với các bạn trẻ khởi nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước, xây dựng nguồn tài liệu mở về chương trình cố vấn khởi nghiệp.
Ông Phạm Duy Hiếu – Giám đốc Startup Vietnam Foundation (Ảnh: NVCC)
VMI được Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (Startup Vietnam Foundation – SVF) khởi xưởng. VMI đặt tầm nhìn trở thành liên minh các nhà cố vấn khởi nghiệp, có khả năng kết nối rộng khắp và hiệu quả nhất Việt Nam.
Ông Phạm Duy Hiếu – Giám đốc SVF chia sẻ về lý do thành lập VMI: “Thực tế, có rất nhiều nhà lãnh đạo thành công muốn quay lại đóng góp cho cộng đồng, giúp các bạn trẻ khởi nghiệp nhưng họ không biết tìm ở đâu. Còn các bạn trẻ thì lại thấy những người lãnh đạo đi trước quá cao, quá xa và khó tiếp xúc. Vì thế VMI ra đời”.
2. SECO EP
SECO EP là tên viết tắt của chương trình SECO Entrepreneurship Program – một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ở các nước đang phát triển, được chính phủ Thụy Sĩ tài trợ. Hiện nay ở Việt Nam, SECO đang tập trung hoạt động tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội.
Vai trò chính của SECO là phát triển mạng lưới các nhà tư vấn, nhà đầu tư thiên thần; đẩy mạnh các hoạt động của vườn ươm và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Trong đó, vai trò làm cố vấn được SECO đặc biệt coi trọng.
Chia sẻ quan điểm về nhà cố vấn, bà Nguyễn Quỳnh Anh – Giám đốc chương trình SECO EP ở Việt Nam cho rằng: Đó là những người đã thành công muốn quay lại đóng góp cho cộng đồng bằng cách hướng dẫn cho người mới bắt đầu. Họ chủ yếu giúp bằng cách xây dựng khả năng giải quyết vấn đề, đưa ra các gợi ý hướng dẫn thay vì “dọn sẵn” câu trả lời.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh – Giám đốc chương trình SECO EP ở Việt Nam (Ảnh: BT)
“Người cố vấn không chỉ đưa ra những lời khuyên, mà họ còn có thể giúp bạn xây dựng các mối quan hệ tiềm năng với nhà đầu tư, khách hàng, các chuyên gia liên quan đến lĩnh vực khởi nghiệp của công ty. Vì vậy, các bạn khởi nghiệp nên tận dụng tối đa người cố vấn của mình”, bà Quỳnh Anh nói.
Cũng theo bà, mọi người thường quan niệm cố vấn phải luôn là những người chiến thắng, đã thành công trong công việc kinh doanh trước đó. “Chúng ta nên mở rộng quan niệm, cố vấn không nhất thiết phải là người đã có thành tựu khởi nghiệp, mà họ có thể là các chuyên gia, nhà quản lý, những người đang giảng dạy hay là nhà đầu tư”.
3. Youth Support Study (YSS)
YSS là chương trình cố vấn dành cho sinh viên ở các trường đại học. YSS hoạt động theo mô hình: Các cựu sinh viên của trường quay về hướng dẫn cho các lứa sinh viên sau. Nhóm cố vấn sẽ là những cựu sinh viên đang có cấp bậc cao trong các công ty như giám đốc, quản lý… Họ sẽ hướng dẫn cho sinh viên về cách viết CV, phỏng vấn, chia sẻ các cơ hội về việc làm, các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp…
Dự án được thành lập bởi bốn cựu sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM và hiện tại đang tiến hành những hoạt động đầu tiên tại trường này. Nhóm đã học hỏi kinh nghiệm từ Trường đại học Stanford và đem về áp dụng tại Việt Nam.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, thành viên của YYS cho biết: “Các trường đại học ở nước ta chưa xây dựng mô hình như kiểu này. Nếu có thì cũng chỉ là những nhóm nhỏ tự phát, hoạt động chưa quy củ”. Theo anh, việc hỗ trợ sinh viên phát triển tư duy, tích lũy kinh nghiệm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sẽ giảm thiểu rủi ro cho các bạn có ý định làm việc hay khởi nghiệp sau này.
Điểm khác biệt của nhóm YYS là: Một cố vấn có thể hướng dẫn cho một đến năm sinh viên, thay vì chỉ là một kèm một như các nhóm khác.
“Vì các bạn sinh viên được lựa chọn đều học chung ngành, thậm chí chung khóa nên dễ dàng để người cố vấn chia sẻ kinh nghiệm với nhiều người cùng một lúc. Điều này cũng giúp các thành viên tiết kiệm về thời gian và công sức”, anh Hoàng nói.
Anh Hoàng cũng chia sẻ những khó khăn trong quá trình hoạt động: Vì tất cả các cựu sinh viên tham gia chương trình hoàn toàn miễn phí, nên họ sẽ không dồn thời gian, tâm huyết; nếu không nhận được sự khích lệ tinh thần.
Ở đây là qua việc tiến bộ của sinh viên sau khi được tư vấn và sự hợp tác nhiệt tình của nhà trường. Thế nhưng hiện nay, các trường đại học vẫn còn khá e dè, thậm chí không dành nhiều sự quan tâm cho chương trình cố vấn mà nhóm anh đang triển khai.
4. Shinhan Future’s Lab (SFL)
Đây là chương trình cố vấn khởi nghiệp của ngân hàng Shinhan về Fintech (Financial Technology – công nghệ tài chính). Theo đó, các doanh nghiệp sẽ nộp đơn đăng kí tham gia chương trình và SFL sẽ lựa chọn những ứng cử viên tiềm năng nhất để hỗ trợ. Những doanh nghiệp ưu tú sẽ có cơ hội đến Hàn Quốc để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với doanh nghiệp Hàn Quốc.
Ông Kim Seon Il – Phó Giám đốc của Shinhan Future’s Lab (Ảnh: BT)
Ông Kim Seon Il – Phó Giám đốc của SFL nói: “Khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính thật sự rất khó khăn. Các bạn trẻ khởi nghiệp không thể chạy đến một ngân hàng nào đó và nói: “Tôi đang gặp vấn đề về tài chính, hãy giúp tôi đi” như trong lĩnh vực khác được. Vì vậy chương trình cố vấn của SFL sẽ góp phần giải quyết khó khăn này. Đây là chương trình nhằm hỗ trợ tốt nhất cho xã hội, chứ không vì mục đích lợi nhuận”.
Đội ngũ cố vấn của SFL đến từ Việt Nam lẫn Hàn Quốc và đều giữ các cấp bậc cao như quản lý, lãnh đạo của các công ty con ở Shinhan. Các nhà cố vấn này không chỉ tư vấn về tài chính, mà còn hỗ trợ nhiều lĩnh vực khác thông qua việc kết nối tới các bộ phận khác trong tập đoàn.
(Theo Bích Trâm - http://www.baomoi.com/4-nhom-co-van-khoi-nghiep-dang-chu-y-tai-viet-nam/c/21224674.epi).